Lộ trình tiến tới công trình NET ZERO – Phần 1

Lộ trình tiến tới công trình NET ZERO – Phần 1

CÔNG TRÌNH XANH LÀ GÌ VÀ KHÁI QUÁT CÁC VẤN ĐỀ XOAY QUANH CÔNG TRÌNH XANH

Thưa ông, thực tiễn phát triển Công trình Xanh hiện nay ở nước ta mới cũng chỉ đang ở giai đoạn đầu, nay lại tiếp tục đặt ra mục tiêu xa hơn, đó là Lộ trình phát triển Công trình Xanh hướng tới công trình Net Zero. Liệu đây có phải là một viễn cảnh quá sức so với hiện thực ở Việt Nam?

Chúng ta đang ở trong bối cảnh cần có nhiều Công trình Xanh (CTX – Green Building – GB) là công trình hướng tới thiết kế, xây dựng, vận hành thân thiện môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo không gian sống tiện nghi cho người sử dụng trong cả vòng đời. Còn công trình Net Zero là những công trình cân bằng về phát thải khí nhà kính, trước khi đạt tới công trình này cần đạt công trình cân bằng năng lượng (Net Zero Energy Building-ZEB). 

Nghĩa là tổng lượng năng lượng mà tòa nhà sử dụng hàng năm bằng với lượng năng lượng tái tạo được tạo ra tại chỗ hoặc bởi các nguồn năng lượng tái tạo từ bên ngoài. Như vậy, có thể thấy, ZEB chính là sự phát triển cao hơn của CTX do mong muốn giảm thiểu sự phụ thuộc của công trình vào hệ thống cung cấp năng lượng chung, đặc biệt là nguồn điện. Nguồn điện này thông thường là một nguồn phát thải khí nhà kính, gây nóng lên toàn cầu với hậu quả là những cơn bão như vừa qua. 

Đây là xu hướng tất yếu của con người trong tương lai để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Cho dù, một số người có thể cho rằng đây đang là mục tiêu quá sức so với năng lực hiện tại nhưng vì tính tất yếu của nó nên chúng ta đã cam kết mục tiêu thực hiện tới 2050 và tôi tin rằng đã có sự đánh giá khả thi.

Cân bằng năng lượng cho mỗi công trình, vâng, nghe thì dường như ai cũng mong muốn nhưng khi bắt tay vào cho từng dự án, chông gai không phải ít, đúng không ạ?

Bạn có thấy sự tàn phá cơn bão số 3 vừa diễn ra ở nước ta không? Thật khủng khiếp! Rồi những diễn biến bất thường về khí hậu, thiên tai xảy ra nhiều nơi ở các quốc gia khác nhau ngày càng có tần suất dày đặc hơn… Suy cho cùng thì đấy là những hậu quả của việc thiếu kiểm soát phát thải CO2 và các loại khí nhà kính của loài người, bao gồm cả hoạt động sử dụng và sản xuất năng lượng. 

Chính vì thế, định hướng Net Zero Energy cùng lộ trình giảm phát thải CO2 là những mục tiêu mới không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới. Trước xu thế này, việc thiết kế tối ưu hóa năng lượng không chỉ là một mục tiêu cần thiết trong bối cảnh phát triển bền vững, mà còn là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật cho dự án, đồng thời nâng cao nhận thức cho cộng đồng… hướng tới hiện thực hóa cam kết trên. Chông gai chắc chắn là có, nhưng tôi không nghĩ là có thể, chúng ta đã có kiến thức, có con người cần cù thông minh, có chủ trương đúng đắn, giờ chỉ cần cụ thể các chủ trương hơn nữa là mọi thứ sẽ vận hành. Trở lại ngành Xây dựng của chúng ta. 

Theo tính toán, lĩnh vực xây dựng và các toà nhà tiêu thụ khoảng 40% năng lượng. Nếu chúng ta không có những nỗ lực phát triển ZEB thì lấy gì để hỗ trợ cho cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về việc sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050? Như vậy càng khẳng định rằng, đây là việc mà chúng ta phải làm! Tôi nhớ là tổ chức UNOPS ví von rằng việc thực hành tiết kiệm năng lượng chặt chẽ giống như xây một nhà máy điện xanh khổng lồ vậy. Những việc này không đơn thuần chỉ là đáp ứng các cam kết quốc tế, mà việc này sẽ đem lại lợi ích quốc gia rất lớn về hiệu quả kinh tế cũng như phát triển nội lực khoa học kỹ thuật. Chông gai là thử thách, vượt qua chông gai sẽ tới cánh cửa hoá rồng.

Menu chính (Vi)