Covid-19 như một phép thử đối với “sức khỏe” bộ máy vận hành toà nhà công trình, buộc doanh nghiệp phải ứng dụng kỹ thuật tiết kiệm năng lượng để có thể tiết giảm hàng trăm ngàn USD chi phí mỗi năm.
Theo EEN-Vietnam, trong thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn khá phức tạp thì việc vận hành các công trình và toà nhà đang gặp nhiều thách thức trong đảm bảo an toàn về sức khoẻ cho con người. Việc này đòi hỏi các công trình phải có các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, lưu thông không khí, tránh tiếp xúc, lây nhiễm cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cũng trở thành gánh nặng tài chính cho các công trình khi tỷ lệ hấp thụ văn phòng tại Hà Nội giảm xấp xỉ 6%, trong khi tỷ lệ trống vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Vì vậy, các chủ đầu tư hiện tại không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm mọi chi phí. Ngoài ra, vận hành công trình cũng là lĩnh vực phát thải khí CO2 cao nhất, chiếm 28% tổng phát thải toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, việc tìm ra lối đi đúng đắn cho việc vận hành công trình và toà nhà một cách bền vững và hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí cho các chủ đầu tư, đơn vị quản lý trong giai đoạn hậu Covid-19 là điều bức thiết.
Các chuyên gia cũng nhận định, xu hướng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng đang trở thành điều tất yếu của nền kinh tế nói chung cũng như bất động sản và xây dựng nói riêng, bắt buộc các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp phải tuân theo nếu không muốn bị đào thải ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đồi sang công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều cản trở, khó khăn do sự thiếu hụt về chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm và kiến thức của đội ngũ vận hành công trình.
Vận hành công trình xanh đang là xu thế toàn cầu.
Theo ông Phạm Huy Tuấn, Chủ tịch Hội Kỹ sư trưởng Hà Nội, tỷ lệ đô thị hoá ngày càng gia tăng, điều đó có nghĩa là tất cả những khu vực có đất đai sẽ trở thành các khu đô thị, trường học, toà nhà văn phòng… Cách đây 10 năm, không có những khu đô thị hiện đại như ngày nay. Những toà nhà ngày đó cao nhất cũng chỉ có 27 tầng, còn nay, số toà nhà cao tầng xuất hiện không đếm nổi.
Đối mặt với thách thức đó chính là vấn đề quản lý toà nhà chuyên nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp quản lý vận hành tòa nhà chưa có những kỹ năng tương xứng với tốc độ phát triển của các toà nhà cao tầng. Đáng kể là số lượng doanh nghiệp quản lý vận hành tăng cao nhưng không đồng đều, chất lượng dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cư dân. Các doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn trong quản lý quỹ bảo trì của tòa nhà, quản lý dữ liệu nhà chung cư, hay tổng hợp các báo cáo liên quan.
“Từ những khó khăn đó có thể thấy, nguồn nhân lực quản lý vận hành tòa nhà đang thiếu và yếu ở nhiều góc độ như: Thiếu nhân sự chất lượng, nguồn cung chính ngạch, thiếu sự đào tạo chuyên ngành và chưa am hiểu về pháp lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp yếu về kỹ năng quản lý, xử lý khủng hoảng, quản trị rủi ro, kỹ năng giám sát và ngoại ngữ”, ông Tuấn chia sẻ.
Chủ tịch Hội Kỹ sư trưởng Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà cần tận dụng công nghệ để tối ưu việc quản lý tòa nhà. Covid-19 cũng là cơ hội để nhìn nhận và đánh giá lại công tác quản lý, vận hành công trình bất động sản, từ đó đưa ra các biện pháp để nâng cao hiệu quả, tiết giảm chi phí. Đặc biệt, xu thế chuyển đổi số được thúc đẩy bởi đại dịch có thể trở thành giải pháp tối ưu cho việc quản lý tập trung, xây dựng kế hoạch làm việc và tăng cường chất lượng dịch vụ.
Nói về việc đảm bảo vận hành hiệu quả, phòng chống dịch Covid-19 tại các tòa nhà trong thời điểm có dịch bệnh, ông Trần Khánh, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý Toà nhà Hà Nội cho biết: “Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, khối lượng công việc tăng bởi cư dân không đến văn phòng mà làm việc ở nhà, từ đó dẫn đến tần suất quản lý vận hành tăng cao và không thể gián đoạn. Công việc nhiều hơn trong khi kinh phí có hạn, không thay đổi dẫn đến nhiều khó khăn cho các đơn vị quản lý vận hành tòa nhà”.
KTS. Trần Thành Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững.
Cũng nói về việc phát triển toà nhà bền vững, KTS. Trần Thành Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững phân tích, trong mỗi một hệ thống đánh giá công trình xanh hay công trình phát triển bền vững đều có những tiêu chí riêng. Tuy nhiên, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất mà tất cả các nước có trình độ phát triển nhất định đều kiểm soát bằng luật, đó là tiêu thụ năng lượng. Các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn làm việc này rất tốt, bằng các chế tài khuyến khích, thưởng phạt rõ ràng
Trong khi đó, tại Việt Nam, 15 năm qua, chúng ta vẫn chưa đưa được Quy chuẩn năng lượng công trình vào thực tế thực hành thiết kế, gọi là Quy chuẩn bắt buộc, nhưng được sử dụng như tiêu chuẩn tham khảo tự nguyện. Thực tế hiện nay, các công trình thiếu sự kiểm soát, khống chế các tiêu chí năng lượng khi thiết kế.
KTS. Trần Thành Vũ nhấn mạnh: “Đã tới lúc cần thực hiện chặt chẽ kiểm soát thiết kế năng lượng, những tiêu chí còn lại về công trình xanh, sinh thái… sẽ do thị trường điều tiết, tùy thuộc vào mức độ cao cấp, hướng tới sinh thái của sản phẩm bất động sản và sự quan tâm của thị trường. Nhưng Nhà nước cũng nên dần có sự khuyến khích ưu đãi cho các dạng công trình này”.
Thực tế ghi nhận, ứng dụng kỹ thuật tiết kiệm năng lượng như trang thiết bị hiệu suất cao, tận dụng năng lượng tự nhiên, cơ chế thu hồi năng lượng sẽ giúp tiết kiệm được đáng kể chi phí vận hành, với chi phí lắp đặt, chuyển đổi không quá cao.
Theo thống kê của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, thực hiện các quy trình về nâng cao hiệu quả năng lượng sẽ làm chi phí đầu tư ban đầu tăng khoảng 3%, trong khi cắt giảm chi phí vận hành lên tới 14 – 36%. Ví như, tại khách sạn Deawoo Hà Nội đã tiết kiệm được 250.000 USD mỗi năm trong giai đoạn 1998 – 2000, với các thiết bị, máy móc hiệu suất cao vẫn “chạy tốt” sau hơn 20 năm sử dụng. Khách sạn Sheraton và JW Marriott cũng tinh giảm được lần lượt 250.000 USD và 350.000 USD mỗi năm sau khi ứng dụng các kỹ thuật tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng./.
Theo realtimes.vn