Các chương trình dán nhãn Hiệu quả năng lượng cho các Tòa nhà trên thế giới

Các chương trình dán nhãn Hiệu quả năng lượng cho các Tòa nhà trên thế giới

 

Thực hiện đánh giá và gán nhãn năng lượng rất cần thiết trong việc quản lý và giảm thiểu tiêu thụ năng lượng cho các tòa nhà. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết hướng tới mục tiêu Net Zero 2050. Việc có thể đo lường và công khai thông tin về mức độ hiệu quả trong việc tiêu thụ năng lượng của một tòa nhà cũng quan trọng đối với nhà đầu tư và khách thuê hay người mua nhà. Nhà đầu tư nắm rõ sản phẩm của mình đang có mức hiệu quả thế nào, để có phương án cải thiện hay truyền thông thu hút thêm khách hàng. Còn người mua hay thuê sản phẩm bất động sản có thêm thông tin để lựa chọn khi muốn kiểm soát tiền điện hàng tháng.

Các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam có thể kiểm tra  mức độ hiệu quả năng lượng công trình của mình qua hỗ trợ miễn phí của chương trình SBVN Net Zero. Thông tin chương trình có thể xem chi tiết tại: SBVN Net Zero 

Trên thế giới các chương trình công khai thông tin mức độ tiêu thụ năng lượng của tòa nhà đã có mặt từ lâu và góp phần không nhỏ giúp các tòa nhà ngày càng tăng hiệu suất sử dụng năng lượng. Cùng EDEEC xem lại các chương trình Nhãn năng lượng cho tòa nhà trong bài viết dưới đây.

 

Chương trình gắn nhãn năng lượng cho các tòa nhà tại liên minh Châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập một chương trình gắn nhãn năng lượng bắt buộc cho các tòa nhà muốn bán hoặc cho thuê, nhằm thúc đẩy hiệu quả năng lượng và giảm khí thải carbon. Chương trình này là một phần của Chỉ thị Hiệu suất Năng lượng của Các Tòa Nhà – Energy Performance of Buildings Directive (EPBD), yêu cầu các quốc gia thành viên đề ra quy định nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng của các tòa nhà.

Chương trình gắn nhãn năng lượng cho các tòa nhà được đánh giá trên một thang điểm từ A đến G, với A là tòa nhà tiết kiệm năng lượng nhất và G là tòa nhà tiêu thụ năng lượng nhiều nhất. Điểm đánh giá dựa trên Giấy chứng nhận Hiệu suất Năng lượng – Energy Performance Certificate (EPC) của tòa nhà, đó là một tài liệu mô tả hiệu quả năng lượng của tòa nhà.

EPC là một tài liệu bắt buộc được yêu cầu cho tất cả các tòa nhà tại Châu âu đang được bán hoặc cho thuê, có hiệu lực trong 10 năm.

Một tòa nhà công khai mức độ hiệu quả năng lượng ở mức G – mức thấp nhất

EPC dựa trên cả mô hình hóa năng lượng và hiệu suất năng lượng thực tế của tòa nhà. Mô hình hóa năng lượng được sử dụng để ước tính hiệu suất năng lượng của tòa nhà, lấy thông tin các yếu tố như cấu trúc, hệ thống sưởi và làm mát, chiếu sáng và thông gió. Tuy nhiên, hiệu suất năng lượng thực tế của tòa nhà cũng được xem xét khi xác lập Chứng nhận Hiệu suất năng lượng cho tòa nhà – EPC. Điều này có nghĩa là EPC cung cấp thông tin về hiệu suất năng lượng lý thuyết của tòa nhà (dựa trên mô hình hóa năng lượng) và hiệu suất năng lượng vận hành thực tế, dựa trên đo đếm sử dụng năng lượng và cả bù trừ từ nguồn năng lượng tái tạo.

Bảng thống kê số lượng các công trình cấp giấy chứng nhận EPC tại từng nước thuộc Châu âu trong năm 2013

Hệ thống nhãn năng lượng cho tòa nhà được thiết kế để cung cấp thông tin về hiệu suất năng lượng của tòa nhà và khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn những tòa nhà tiết kiệm năng lượng ở mức cao hơn. Hệ thống cũng cung cấp động lực cho chủ sở hữu và nhà phát triển đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng, vì các tòa nhà có xếp hạng cao sẽ hấp dẫn hơn với người mua và người thuê.

Ngoài ra chỉ thị Hiệu suất Năng lượng của Các Tòa Nhà, EPBD cũng yêu cầu các quốc gia thành viên liên minh Châu Âu: các tòa nhà có diện tích sàn sử dụng trên 1.000 m2, được sử dụng bởi các cơ quan công cộng và các cơ sở cung cấp dịch vụ công cộng cho một số lượng lớn người, phải đưa ra biện pháp đảm bảo việc đặt bảng chứng chỉ năng lượng, không cũ hơn 10 năm, tại vị trí nổi bật có thể nhìn thấy dễ dàng.

 

Chương trình Energy Star của Hoa Kỳ

Energy Star là chương trình được phát triển bới Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) tập trung vào cải thiện hiệu suất năng lượng của tòa nhà thông qua so sánh sử dụng năng lượng của tòa nhà với các tòa nhà tương tự trong cùng vùng khí hậu. Để đủ điều kiện nhận chứng nhận Energy Star, tòa nhà phải đạt điểm tối thiểu 75 trên tổng số 100 điểm, cho thấy rằng chúng hoạt động tốt hơn 75% các tòa nhà tương tự trên toàn quốc.

Tòa nhà văn phòng GRANITE PARK 1 đạt chứng nhận Energy Star với 86/100 điểm năm 2022

Các tòa nhà được chứng nhận Energy Star thường sử dụng ít hơn tối thiểu 35% năng lượng và tạo ra ít hơn tối thiểu 35% khí thải nhà kính so với các tòa nhà thông thường, từ đó tiết kiệm chi phí đáng kể và đảm bảo lợi ích cho môi trường. Để xác định hiệu suất năng lượng của tòa nhà, dữ liệu năng lượng phải được thu thập và phân tích, thông qua việc sử dụng phần mềm mô phỏng năng lượng hoặc thông qua dữ liệu sử dụng năng lượng thực tế. Sử dụng năng lượng của tòa nhà được so sánh với các tòa nhà tương tự trên toàn quốc, và nếu hiệu suất của tòa nhà đạt trên 25% so với các tòa nhà tương tự, nó sẽ đủ điều kiện để đạt chứng nhận ENERGY STAR.

EPA đã phát triển chương trình ENERGY STAR giúp đồng thời nhận diện những tòa nhà cần được cải thiện hiệu quả chi phí phí năng lượng hoặc công nhận những công trình đã làm tốt. Chứng nhận được cấp hàng năm, đòi hỏi duy trì hiệu suất cao để được chứng nhận từ năm này sang năm khác, và phải được xác minh bởi một Kỹ sư Chuyên nghiệp (PE) hoặc Kiến trúc sư Đăng ký (RA) có giấy phép để đủ điều kiện thực hiện đánh giá. Các loại hình cho chương trình này bao gồm cả công trình thương mại và các nhà máy trong khu công nghiệp.

 

Số lượng các công trình đã đạt chứng nhận Energy Star tại một số bang

Energy Star là chương trình tự nguyện, tuy nhiên nhiều địa phương hoặc tiểu bang như California, New York, Massachusetts, Washington… có các yêu cầu bắt buộc các tòa nhà phải đáp ứng các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng cụ thể riêng của địa phương, có thể bao gồm chứng nhận ENERGY STAR như một phương án lựa chọn. Cùng là Hoa Kỳ, riêng tiểu bang California đã áp dụng tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà cư và thương mại, bao gồm cả nhãn năng lượng bắt buộc cho các tòa nhà.

 

Nhật Bản: Đạo luật Hiệu suất Năng lượng Xây dựng (BEE Act)

Đạo luật Hiệu suất Năng lượng Xây dựng (BEE Act) yêu cầu tất cả các tòa nhà có diện tích sàn tổng cộng trên 500 mét vuông tại Nhật Bản phải trải qua đánh giá hiệu suất năng lượng và nhận chứng chỉ hiệu suất năng lượng, chỉ số hiệu suất năng lượng chỉ đơn giản là một thang điểm từ 1 đến 5 sao: BELS Nhật Bản.

Hệ thống chứng nhận BELS sẽ do một tổ chức bên thứ ba đánh giá và hiển thị hiệu suất tiết kiệm năng lượng của các tòa nhà, bao gồm cả các tòa nhà mới và các tòa nhà hiện có. Vào tháng 4 năm 2014, hệ thống này bắt đầu áp dụng cho các tòa nhà phi thương mại, và từ tháng 4 năm 2016, BELS đã mở rộng phạm vi bao phủ để bao gồm các tòa nhà dân dụng, và bắt đầu hoạt động như một trong những chứng nhận của bên thứ ba theo “Hướng dẫn về hiển thị hiệu suất tiết kiệm năng lượng của tòa nhà” là một hướng dẫn dựa trên Điều 7 của “Đạo luật về cải thiện hiệu suất tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà”.

 

Công trình Splendid Namba nhận được 01 sao chứng nhận BELS tại Nhật Bản

 

Công trình ForeCast Ichigaya nhận được 02 sao chứng nhận BELS tại Nhật Bản

 

 

Tòa nhà Tohoku Branch nhận được mức chứng nhận cao nhất 05 sao của BELS và được nhà đầu tư giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông 

Chứng chỉ hiệu suất năng lượng BELS phải được trưng bày ở một vị trí nổi bật trong tòa nhà và cũng cần được cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương. BEE Act đã có hiệu lực từ năm 2002 và đã thành công trong việc thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong các tòa nhà tại Nhật Bản.

 

Ấn Độ: Nhãn năng lượng Star Rating for Buildings

Cục Tiết kiệm Năng lượng (BEE) của Ấn Độ đã áp dụng Tiêu chuẩn xây dựng Tiết kiệm Năng lượng – Energy Conservation Building Code (ECBC) cho các tòa nhà thương mại, bao gồm cả yêu cầu về nhãn năng lượng Star Rating for Buildings. ECBC là một hệ thống quy định về hiệu suất năng lượng cho các tòa nhà thương mại, nhằm giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ và giúp bảo vệ môi trường.

Nhãn năng lượng Star Rating được khởi động vào năm 2009, chương trình này dựa trên việc sử dụng năng lượng trong tòa nhà trên diện tích được biểu thị bằng kWh/m²/năm. Trong chương trình này, tòa nhà được xếp hạng theo thang điểm từ 1 đến 5, tòa nhà được gán nhãn đạt 5 sao là hiệu quả nhất.

Mức độ từ 1 đến 5 Sao tùy thuộc vào vùng khí hậu, loại hình công trình, mức độ tiêu thụ năng lượng EPI và diện tích sử dụng điều hòa

Hiện nay, chương trình này bao gồm bốn loại tòa nhà, bao gồm tòa nhà văn phòng, Trung tâm Xử lý Dữ liệu, Bệnh viện và Trung tâm Thương mại. Các tòa nhà có tải kết nối từ 100kW trở lên được xem xét để tham gia chương trình xếp hạng sao BEE. Gần đây, BEE đã sửa đổi dải EPI cho Xếp hạng sao cho các Tòa nhà Văn phòng và Trung tâm Xử lý Dữ liệu. Sự thay đổi của chương trình này có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022.

Đến nay, hơn 250 nhãn Xếp hạng Sao (bao gồm cả việc đổi mới) đã được trao cho các tòa nhà thương mại.

Để tăng cường sự tham gia của các cơ quan chính phủ, BEE đã miễn phí đăng ký và đăng ký lại cho các tòa nhà thuộc sở hữu/quản lý của Trung ương/Bang, Các Tổ chức Công cộng, Đường sắt, vv.

 

Hàn Quốc: Nhãn năng lượng thuộc hệ thống Đánh giá Hiệu quả Năng lượng Xây dựng

Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng chương trình nhãn năng lượng cho các tòa nhà thuộc hệ thống Đánh giá Hiệu quả Năng lượng Xây dựng – Building Energy Efficiency Rating System (BEERS). Hệ thống BEERS đánh giá hiệu quả năng lượng của các tòa nhà bằng cách xác định tiêu thụ năng lượng của tòa nhà và gán nhãn năng lượng cho từng tòa nhà. 

Các yêu cầu mức tiêu thụ năng lượng tương ứng với hạng mức của nhãn năng lượng

Nhãn năng lượng bao gồm các thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, mức tiêu thụ năng lượng tối ưu và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Các tòa nhà được đánh giá trên một thang điểm 10 từ mức cao nhất là  1+++ đến thấp nhất là 7.

Số lượng các công trình đạt BEER Hàn Quốc đến năm 2018

 

Các tòa nhà có điểm số thấp hơn sẽ phải thực hiện các biện pháp cải tiến để cải thiện hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Các tòa nhà chính phủ có diện tích từ 3000 m2 trở lên bắt buộc phải có nhãn năng lượng từ mức 1 trở lên, để đảm bảo đạt tiêu chuẩn tối thiểu về hiệu suất năng lượng.

 

 Quy trình để một công trình đạt nhãn năng lượng BEER Hàn Quốc

 

Trung Quốc: Chương trình nhãn năng lượng Hệ thống Đánh giá Ba sao (Three-Star Rating System)

Hệ thống Đánh giá Ba sao (Three-Star Rating System) là một chương trình nhãn năng lượng bắt buộc do chính phủ Trung Quốc áp dụng cho các công trình nhà nước. Chương trình này đánh giá mức độ tiết kiệm năng lượng của tòa nhà dựa trên các yếu tố như thiết kế, vật liệu, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng và năng lượng tái tạo được sử dụng. Mỗi tòa nhà được đánh giá và xếp hạng từ 1 đến 3 sao, với 3 sao đại diện cho mức độ tiết kiệm năng lượng cao nhất. Chương trình nhằm mục đích khuyến khích các công trình nhà nước tại Trung Quốc tăng cường tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

 

Australia: Chương trình Đánh giá Năng lượng cho Ngôi nhà Toàn quốc (NatHERS)

Chính phủ Australia có một Chương trình Đánh giá Năng lượng cho Ngôi nhà Toàn quốc (NatHERS), đánh giá tính hiệu quả năng lượng của các ngôi nhà trên một thang điểm từ 0 đến 10 sao. Thang điểm này tính đến các yếu tố như cách nhiệt, hệ thống sưởi và làm mát, và hướng nhà. Tuy nhiên, việc yêu cầu đánh giá NatHERS phụ thuộc vào từng bang hoặc lãnh thổ khác nhau.

So sánh thiết kế hai công trình ở mức 6 sao: tải năng lượng cho hệ thống làm mát và sưởi là 110 MJ/m2.năm (30.55 kWh/m2.năm). Công trình lên 8 sao: tải năng lượng cho hệ thống làm mát và sưởi ấm tương ứng còn 50 MJ/m2.năm (13.88 kWh/m2.năm)

Ở một số địa phương, đánh giá NatHERS là bắt buộc cho các ngôi nhà mới hoặc các công trình cải tạo. Ví dụ như bang Victoria vào năm 2022 đã tăng tiêu chuẩn hiệu suất sử dụng năng lượng tối thiểu cho các căn nhà mới xây từ 6 sao lên 7. Bang này hi vọng những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng hơn sẽ mang lại sự thoải mái hơn cho người sử dụng, tiết kiệm chi phí về điều hòa và sưởi ấm và giúp giảm lượng khí thải nhà kính.

 

Việt Nam: Chương trình SBVN hỗ trợ kiểm tra mức độ hiệu quả năng lượng công trình miễn phí cho các nhà đầu tư bất động sản

Tại Việt Nam hiện chưa có chương trình dán nhãn mức độ tiêu thụ năng lượng các tòa nhà bắt buộc hay tự nguyện. Tuy nhiên với sự hỗ trợ bởi quỹ quốc tế chống biến đổi khí hậu, chương trình SBVN có thể giúp các nhà đầu tư quan tâm kiểm tra miễn phí xem hiện công trình của mình đang có mức độ hiệu quả năng lượng đến đâu để có thể có biện pháp xử lý thích hợp. Thông tin chi tiết về chương trình có thể xem tại: SBVN Net Zero

Bài viết nằm trong series bài chia sẻ về các chính sách thúc đẩy công trình Hiệu quả năng lượng trên thế giới của công ty EDEEC – Tư vấn kỹ thuật công trình xanh hàng đầu Việt Nam. EDEEC khuyến khích các đối tác và các kênh truyền thông trong và ngoài nước chia sẻ bài viết này rộng rãi tới cộng đồng và xin vui lòng ghi rõ nguồn tin từ website EDEEC.

 

Menu chính (Vi)