Từ năm 2012, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện đáng nhớ của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, bất động sản cũng là một lĩnh vực kinh doanh có nhiều thay đổi. Song song với sự thay đổi này là trào lưu kiến trúc bền vững, xanh làm “ấm” ngành xây dựng Việt Nam.
Đó là xét về xu hướng tương lai, nhưng thực tế thì sao? Trong lúc cả thế giới đang chống biến đổi khí hậu, trào lưu thiết kế bền vững đi kèm với tiện nghi công trình đang thịnh hành nhằm tiết kiệm tài nguyên thì thực tế tại Việt Nam điều gì đang diễn ra?
Để trả lời câu hỏi trên, ta cần nhìn lại giai đoạn 10 năm trước khủng hoảng, thời kỳ hình thành nên bong bóng bất động sản, bắt đầu từ thị trường nhà ở dân dụng, cụ thể là chung cư. Trong giai đoạn bùng nổ này, việc các đơn vị môi giới bất động sản, thậm chí cả người đi mua nhà luôn trong tình trạng sôi sục vì nhà đất. Thị trường vô cùng sôi động dẫn tới làn sóng “mua nhanh bán gọn”, miễn sao có giao dịch là có thể bỏ túi vài trăm triệu, hàng tỷ đồng.
Chính vì thế hình thành nên những nhà đầu tư thứ cấp, họ sẵn sàng vay ngân hàng vài chục tỷ đồng để đặt cọc nguyên một sàn chung cư, sau đó bán dần tới tay những người có nhu cầu mua để ở, hoặc nhà đầu tư cấp 3. Do đó, nhà đầu tư thứ cấp hoàn toàn không cần biết tới căn hộ mình đã đặt mua được thiết kế ra sao. Họ chỉ cần có thông tin dự án, có mối quan hệ tốt với nhà đầu tư chính là đặt cọc mua sàn.
Kiến trúc bền vững, xanh đang nổi lên như một hiện tượng của xây dựng Việt Nam.
Tiêu chí đặt mua thường phụ thuộc vào diện tích và mức độ cao cấp do chủ đầu tư đưa ra. Dù đơn giản, dễ dãi như vậy nhưng lãi mẹ vẫn đẻ lãi con. Chính sự dễ dãi này đã vô hình tạo ra một làn sóng đơn giản hóa thiết kế, thiếu quan tâm tới các tiện nghi sống tối thiểu, làm thật nhanh gọn để đưa vào xây dựng, kể từ quy hoạch đô thị cho tới chi tiết từng căn hộ.
Trước hết cần xem xét vấn đề lớn, đó là quy hoạch đô thị, liệu xu hướng quy hoạch đang diễn ra và còn tiếp tục trong nhiều năm tới đã đặt ra được nền tảng cho thực hiện thiết kế những thành phố bền vững, thân thiện với môi trường? Cùng với những gì được gọi là lý thuyết quy hoạch, hiện chúng ta đang có những bài giảng quy hoạch mang tính lý thuyết khái quát cao, nói về sự tồn tại của đô thị, về chống úng ngập, đảo nhiệt, nước ngầm… về công trình (chiều cao, diện tích, đường đỏ), về những tính toán quy mô để đảm bảo nhu cầu cấp thoát nước, cung ứng điện, liên lạc, giao thông… những khuyến cáo về hướng nhà, sơ đồ gió, những lời khuyên cho thiết kế…
Đây là những gì thuộc về cơ bản, nền tảng không thể thiếu đối với những người làm quy hoạch. Xin phép không bàn tới vấn đề này, nó là những điều tất yếu phải nắm được và được giảng dạy tại các trường đại học, vấn đề của thiết kế thường chỉ được nhìn thấy qua thực tế và vận dụng. Chúng ta hãy đi thẳng vào thực tế đô thị ở tỷ lệ nhỏ và xu hướng quy hoạch đang diễn ra trong thời gian qua.
Xu hướng thiết kế quy hoạch chung cư cao tầng phổ biến là tạo ra sự cân xứng giữa các chiều ngang – dọc của hình khối công trình, thậm chí là vuông, hiếm khi nhìn thấy một quy hoạch khu ở có chiều hướng dài và hẹp hay một dải hẹp tạo thành sân trong. Phải chăng nó thực sự xấu xí và mất cân đối trong mắt các kiến trúc sư quy hoạch Việt Nam?
Để có thể trả lời câu hỏi bền vững hay phản bền vững của thiết kế kiến trúc, việc làm đầu tiên nhất cần xét đến bền vững là gì? Hình dưới đây là tỷ lệ các tiêu chí bền vững của hệ thống chứng nhận công trình xanh LEED nổi tiếng và uy tín nhất trên thế giới hiện nay. Tỷ lệ lớn nhất của hệ thống tiêu chí là dành cho môi trường và năng lượng.
Tỷ lệ đánh giá các tiêu chí công trình xanh theo hệ thống LEED 2.2 và 3.0.
Về cơ bản, đây là hai vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau, tận dụng môi trường tự nhiên tốt sẽ giảm được sử dụng năng lượng và ngược lại. Vậy tác động của quy hoạch công trình cân xứng trên mặt bằng tổng thể lên tiện nghi công trình và sử dụng năng lượng tại Việt Nam như thế nào?
Trên mặt bằng tổng thể, có thể nhận thấy kiến trúc sư đã tạo ra sự đối xứng, xu hướng giống với những quy hoạch, thiết kế cổ điển tại châu Âu, đây cũng là ý tưởng của nhà đầu tư dành cho dự án. Tên gọi của nó gợi lên hình ảnh về một thành phố dành cho các vị vua. Vậy quy hoạch một cách đơn giản, định hướng theo ý tưởng, tên gọi, đăng đối như vậy có tạo nên những chung cư tốt?
Nếu xét trên quan điểm bền vững và kiến trúc xanh thì theo ý kiến cá nhân, thiết kế chung cư tại Việt Nam khó hơn các nước khác trên thế giới. Điều này liên quan đến văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Việc nấu ăn trong các gia đình tại Việt Nam đều khá cầu kỳ và tốn thời gian, đặc biệt trong các dịp lễ tết, hay đơn giản hơn là ăn mừng cho một niềm vui nho nhỏ trong gia đình. Vậy nên việc thiết kế các căn bếp thông thoáng rất cần thiết, thậm chí các bà nội trợ còn thích có một khoảng ban công nối liền với bếp để chế biến những món ăn từ thực phẩm tươi sống.
Tuy nhiên, hầu hết đều không thực hiện được việc này, chạy máy điều hòa, bật quạt thông gió là giải pháp duy nhất làm mát nhà khi căn hộ bị đun nóng lúc nấu ăn. Một số trường hợp giải quyết được vấn đề này thì bếp lại che lấp mất phòng khách của gia đình.
Trên đây là một số chia sẻ và nhận định về thực tế thiết kế quy hoạch, kiến trúc tại Việt Nam. Mong rằng những tòa nhà xây vội, bán vội, không hề quan tâm tới tiện nghi sống, chất lượng môi trường, bỏ qua văn hóa nhà ở sẽ không còn xuất hiện thêm nữa. Người mua cũng sẽ dần dần khó tính hơn do sự lựa chọn mua căn hộ sẽ nhiều hơn và rẻ hơn, các chủ đầu tư thông minh cũng theo đó sẽ phải nghĩ tới việc điều chỉnh chất lượng thiết kế cho phù hợp với thị trường.
Cuối cùng, không phải kiến trúc sư Việt Nam không giải quyết được những vấn đề chất lượng môi trường sống và quy hoạch hiện tại, nhưng để tất cả trở thành các quy định hiển nhiên và mang tính khoa học trong thiết kế, cần có các yếu tố tác động ở tầm vĩ mô khác… Rất mong các tổ chức quốc tế đến và phối hợp với giới hành nghề của Việt Nam nhằm đưa ra những quy hoạch, thiết kế tạo ra những sản phẩm thực sự tốt, bền vững để Việt Nam có thể thoát khỏi sự lạc điệu, để bắt nhịp với thế giới trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Ths. KTS Trần Thành Vũ – Chủ tịch Hội mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam