Top Công Trình Xanh nổi tiếng thế giới đạt tiêu chuẩn LEED

Top Công Trình Xanh nổi tiếng thế giới đạt tiêu chuẩn LEED

LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) được biết đến là tiêu chuẩn quốc tế tiên phong về vấn đề xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống của con người. Chứng nhận này được cấp bởi Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ và ra đời vào năm 1995 tại Mỹ và là một trong những chứng nhận phổ biến nhất trên thế giới.

Bạn có tò mò những công trình xanh nổi tiếng thế giới đạt tiêu chuẩn LEED là những công trình nào hay không? Hãy theo dõi ngay nội dung dưới đây!

Tháp Thượng Hải, Trung Quốc

  • Năm khánh thành: 2015
  • Loại công trình: Công trình cao tầng sử dụng hỗn hợp
  • Kích thước: 576,000 m2
  • Hệ thống xếp hạng: Đạt chứng nhận công trình xanh 3 sao của Trung Quốc & chứng nhận bạch kim LEED (Mỹ)
  • Đơn vị thiết kế: Gensler

Tầng thượng của công trình này có lắp đặt tuabin gió nhằm cung cấp năng lượng cho chiếu sáng bên ngoài và cho bãi đậu xe. Đồng thời, tòa nhà cũng được thiết kế bao phủ bằng 2 lớp kính trong suốt để tận dụng ánh sáng tự nhiên ban ngày, kết hợp sử dụng bộ điều khiển thông minh mọi thứ trong tòa nhà từ sưởi ấm, thông gió, giúp giảm năng lượng tiêu thụ.

Quang cảnh bên ngoài của Tháp Thượng Hải-Cận cảnh công trình xanh đạt tiêu chuẩn LEED – Tháp Thượng Hải

Chi tiết bên trong Tháp Thượng Hải

Một hiệu sách bên trong tháp Thượng Hải

Theo ước tính của đơn vị thiết kế, chỉ riêng việc điều khiển ánh sáng cũng giúp tiết kiệm được 556.000USD (tương đương gần 12,7 tỷ đồng) mỗi năm. Trong khi đó, các tính năng bền vững khác giúp giảm 34.000 tấn khí thải carbon ra môi trường từ tòa nhà mỗi năm. Nhờ thiết kế bền vững mà Tháp Thượng Hải trở thành công trình xanh đạt chứng chỉ LEED hạng bạch kim – mức chứng nhận cao nhất của hệ thống LEED và trở thành Công trình xanh nổi tiếng thế giới mở đầu cho danh sách này.

Trung tâm tài chính Đài Bắc (Taipei 101), Đài Loan

  • Năm khánh thành: 2004
  • Loại tòa nhà: Sử dụng hỗn hợp, Văn phòng, Bán lẻ
  • Diện tích: 374,336m2
  • Hệ thống đánh giá: Chứng nhận công trình xanh LEED-EBOM Platinum
  • Đơn vị thiết kế: C.Y. Lee và các cộng sự

Công trình được thiết kế và xây dựng kiên cố để chống lại động đất và bão. Đồng thời nó cũng là một công trình tiết kiệm năng lượng với giảm 33,41 triệu kWh, giúp tiết kiệm chi phí vận hành hơn 2 triệu đô la Mỹ mỗi năm (tương đương 45,6 tỷ đồng).

Trung tâm tài chính Đài Bắc nhìn từ trên cao – Công trình xanh nổi tiếng thế giới đạt tiêu chuẩn LEED

Manitoba Hydro Place, Canada

  • Năm khánh thành: 2009
  • Loại tòa nhà: Văn phòng, Tháp
  • Diện tích: 64,590m2
  • Hệ thống đánh giá: Chứng nhận công trình xanh hạng LEED Bạch kim
  • Đơn vị thiết kế: KPMB Architects

Công trình được thiết kế với hai tòa tháp thông nhau về phía bắc và có cửa mở về phía nam. Thiết kế công trình với một khu 3 không gian thông 6 tầng với khu vườn, tạo thành “lá phổi” cho cả tòa nhà. Tòa nhà cũng có một thác nước cao 24m giúp kiểm soát độ ẩm của không khí đi vào bên trong tùy  thuộc vào các mùa khác nhau.

Quang cảnh bên ngoài của Manitoba Hydro Place

Quang cảnh giếng trời tại công trình xanh Manitoba Hydro Place

Ngân hàng Mỹ, New York

  • Năm khánh thành: 2010
  • Loại tòa nhà: Nhà chọc trời thương mại
  • Kích thước: 205.000 m2
  • Hệ thống xếp hạng: LEED Bạch kim
  • Đơn vị thiết kế: Cook + Fox Architects

Công trình xanh “Ngân hàng Mỹ”

Công trình này được coi là tòa nhà thương mại cao tầng đầu tiên đạt LEED bạch kim và được thiết kế dựa trên ý tưởng Biophilia. Ý tưởng Biophilia nhấn mạnh sự kết nối của con người với thiên nhiên thông qua việc tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày và không khí trong lành. Việc sử dụng vách ngăn bằng gốm phản xạ nhiệt và kính cường lực thấp giúp giảm sự hấp thụ nhiệt trong tòa nhà.

Trung tâm Môi trường Frick, Pittsburgh

  • Năm khánh thành: 2016
  • Loại tòa nhà: Giáo dục
  • Kích thước: 1,446 m2
  • Hệ thống đánh giá: Living Building Certification, Chứng nhận công trình xanh LEED Bạch kim
  • Đơn vị thiết kế: Bohlin Cywinski Jackson

Quang cảnh công trình xanh: Trung tâm Môi trường Frick

Trung tâm môi trường Frick là một trung tâm thực nghiệm giáo dục môi trường. Nơi đây được thiết kế dựa theo quy trình thiết kế tích hợp chặt chẽ và hiệu quả. Công trình thu nước mưa từ mái nhà và tái sử dụng nước nhằm đạt mục tiêu “không rác thải” trong phạm vi xây dựng (net zero waste). 

Được xây dựng như một trung tâm giáo dục trải nghiệm môi trường, tòa nhà mang tính bền vững này được thiết kế với một quy trình thiết kế tích hợp. Thiết kế công trình này dựa trên một số chiến lược sưởi ấm và làm mát thụ động, với phần tường bên ngoài hiệu suất cao và đảm bảo cách nhiệt được làm từ một loại gỗ có nguồn gốc địa phương không cần chất trám hoặc nhuộm. Đơn vị thiết kế rất chú trọng tạo ra một vỏ bao che công trình tốt rồi sau đó mới tính tới việc sử dụng những hệ thống hiệu quả năng lượng. 

Đọc thêm: 5 ví dụ về công trình net-zero energy kiểu mẫu trên thế giới đáng để học tập

The Crystal, London, Vương quốc Anh

  • Năm khánh thành: 2012
  • Loại tòa nhà: Sử dụng hỗn hợp, Kiến trúc văn hóa, giáo dục
  • Kích thước: 75,368 sft
  • Hệ thống xếp hạng: BREEAM Outstanding, LEED Bạch kim
  • Đơn vị thiết kế: WilkinsonEyre

Công trình xanh nổi tiếng thế giới này có cấu trúc hình pha lê và sử dụng sáu loại kính cách nhiệt cao khác nhau với độ trong suốt khác nhau để kiểm soát mức tăng nhiệt mặt trời và giảm thiểu việc sử dụng năng lượng. Một trong những điểm độc đáo của công trình là các góc ở mặt tiền, với lớp kính mặt ngoài được phủ một lớp phản xạ để giảm sự hấp thụ nhiệt và lớp kính mặt trong thì trong suốt để ánh sáng ban ngày có thể đi vào trong tòa nhà, tiết kiệm năng lượng chiếu sáng.

Công trình The Crystal là một trong những công trình xanh nổi tiếng trên thế giới đạt tiêu chuẩn LEED

Olympic House (Trụ sở IOC), Lausanne, Thụy Sĩ

  • Năm khánh thành: 2019
  • Loại tòa nhà: Văn phòng
  • Kích thước: 135,000 sft
  • Hệ thống xếp hạng: LEED V4 Platinum, SNBS Platinum, Minergie P
  • Đơn vị thiết kế: 3XN Architects

Công trình xanh nổi tiếng thế giới Olympic House là một công trình thể hiện rõ tính năng động và linh hoạt mà vẫn đảm bảo tính bền vững với các đặc điểm như: sử dụng mái xanh và 95% vật liệu xây dựng là tái sử dụng và tái chế từ tòa nhà hành chính cũ.

Một số hình ảnh của công trình xanh nổi tiếng: Olympic House (IOC Headquarters) 3

 

Suzlon One Earth (Pune, Ấn Độ)

  • Năm khánh thành: 2009
  • Loại công trình: Văn phòng 
  • Chứng nhận: LEED Bạch kim cho khuôn viên

Không có gì ngạc nhiên khi nhà cung cấp năng lượng gió Suzlon lựa chọn đầu tư và xây dựng một trụ sở làm việc thân thiện môi trường hàng đầu. Suzlon One Earth được xây dựng chỉ bằng vật liệu tái chế và không độc hại và được chia thành năm tòa nhà riêng lẻ liên kết với nhau được đặt tên theo các yếu tố của thiên nhiên – Mặt trời, Nước, Bầu trời, Cây và Biển. Thiết kế công trình xanh Suzlon One Earth mang lại không khí trong lành và ánh sáng tự nhiên cho tất cả các phần trong khuôn viên.

Theo MGS Architecture of India, khuôn viên Suzlon One Earth đạt chứng nhận LEED bạch kim. 154 KW lượng điện của công trình được sản xuất tại chỗ bởi các nguồn năng lượng tái tạo (80% gió và 20% quang điện). Phần năng lượng còn lại (4MW) được sản xuất từ các trang trại gió. Điều này giúp Suzlon One Earth trở thành một tòa nhà cân bằng năng lượng nổi bật tại Ấn Độ!

Thông qua các hoạt động bền vững như thu gom nước mưa, chuyển đổi chất thải tại chỗ và thiết kế ‘văn phòng trong vườn’ để tối đa hóa việc sử dụng ánh sáng ban ngày, Suzlon One Earth đã tiết kiệm tới 35% chi phí vận hành.

Những hình ảnh về công trình xanh Suzlon One Earth tại Ấn Độ

Torre Reforma (Thành phố Mexico)

  • Năm khánh thành: 2016
  • Loại công trình: Văn phòng
  • Chứng nhận: LEED E-BOM hạng Vàng

Torre Reforma (hay Tháp Reforma trong tiếng Anh) là tòa nhà cao nhất của Thành phố Mexico (246m) và nó là biểu tượng dẫn đầu về tính bền vững tại đây. 

Lớp vỏ của tòa nhà tạo ra hiệu suất năng lượng tuyệt vời với mức giảm 24% theo ASHRAE. Việc giảm tiêu thụ năng lượng là do thiết kế kết cấu mặt tiền: các bức tường bê tông và mặt tiền bằng kính hai lớp cho phép chiếu sáng tự nhiên trong tất cả các không gian văn phòng. Điều này mang lại lợi ích đáng kể cho người sử dụng bằng cách cung cấp không gian nội thất thẩm mỹ và thoải mái để có hiệu suất tốt hơn.

Tòa nhà hiệu suất cao này đã đạt được chứng nhận LEED® Gold cho các công trình hiện có nhờ quá trình cải tiến liên tục, giúp nó trở thành một trong những tòa nhà hiệu quả nhất ở Mỹ Latinh sau mười ba năm xây dựng. Chứng nhận của tòa nhà đạt được tổng cộng 70 điểm là kết quả của các chiến lược bền vững được thực hiện trong suốt 27 tầng của công trình. Ngoài ra, công trình này cũng được xây dựng để chống chọi với một trận động đất lớn. Đây là một yếu tố quan trọng đối với các công trình ở thành phố dễ xảy ra động đất như thủ đô Mexico.

Công trình xanh Torre Reforma tại Mexico

Trên đây là Top công trình xanh nổi tiếng trên thế giới đạt tiêu chuẩn LEED đã được EDEEC tổng hợp. Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích và có giá trị về công trình xanh và chứng nhận công trình xanh LEED.

Công trình xanh không đơn thuần chỉ là công trình “có nhiều cây xanh” mà chúng giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của xây dựng đến môi trường và xã hội. Công trình xanh “chuẩn Quốc tế” là tối ưu mức tiêu thụ năng lượng và nước, đảm bảo cao nhất tiện nghi sống cho người sử dụng và giảm chi phí vận hành cho chủ đầu tư công trình. 

 

Menu chính (Vi)